Mặc dù khá nhiều phong cách nội thất khác nhau ra đời và phát triển mạnh mẽ, song phong cách kiến trúc high tech vẫn tạo nên sức hút vượt thời gian, ghi dấu qua những công trình mang tầm cỡ thế giới.
Hi-tech hay high tech có nghĩa là công nghệ cao. Đây là tên viết tắt của cụm từ “high technology".
Vậy, high tech là gì? High tech trong kiến trúc có liên quan đến yếu tố công nghệ cao hay không? Chắc chắn là có. Phong cách kiến trúc high tech được đặc trưng bởi sự kết hợp các đồ dùng, thiết bị công nghệ cao, đồ nội thất hiện đại mang đến một không gian sống, làm việc tiện nghi. Kiến trúc high tech hướng đến sự đơn giản, không cầu kỳ như phong cách cổ điển hay tân cổ điển.
Phong trào kiến trúc high tech xuất hiện vào năm 1960 ở Anh đánh dấu bước phát triển vượt bậc của ngành khoa học kỹ thuật. Rồi thì phong trào này nở rộ vào những năm 70 ở các nước như Nhật, Mỹ, Pháp, Đức... Đây là những nước có ngành xây dựng phát triển bậc nhất thời bấy giờ.
Kiến trúc high tech được phát triển bởi các kiến trúc sư nổi tiếng như Norman Foster, Richard Rogers, Nicholas Grimshaw, Renzo Piano và nhóm kiến trúc Archigram. Đây cũng là những người đầu tiên đặt nền móng cho các công trình high tech nổi tiếng khắp thế giới.
Trong khi phong cách cổ điển hay tân cổ điển chú trọng sự cầu kỳ, xa hoa, phong cách high tech hướng tới sự tối giản. Các công trình, tòa nhà theo phong cách hi-tech tuy đơn giản mà toát lên vẻ phóng khoáng, tinh tế.
Phong cách thiết kế sang trọng high tech đặc biệt gây ấn tượng mạnh bởi các đường nét, họa tiết của món đồ trang trí thay vì số lượng. Bạn cũng sẽ thấy những tòa nhà theo phong cách này hiếm khi dùng các vật dụng trang trí mà không chứa bất kỳ công năng nào.
Kiến trúc high tech trong thiết kế nội thất sử dụng những gam màu nguyên thủy, phổ biến là đen, trắng, xám. Tuy đơn giản nhưng không gây nhàm chán, ngược lại còn làm tăng tính tương phản về màu sắc, toát lên sự tinh tế ẩn sau vẻ đẹp mộc mạc, không chút cầu kỳ.
Thiết kế nội thất phong cách high tech lựa chọn vật liệu nhân tạo từ kính, kim loại, đá... Điểm chung của các chất liệu này thường là dáng phẳng, thẳng tạo nên những đường nét dứt khoát, mạnh mẽ.
Sự kết hợp giữa kiến trúc high tech cùng công nghệ hiện đại trong thiết kế nội thất đã tạo nên nét đặc trưng dường như không thể lẫn vào đâu. Minh chứng là sự xuất hiện của các thiết bị thông minh như rèm tự động, đèn tự động hay hệ thống điều khiển từ xa, cảm biến nhiệt độ... Tất nhiên, không chỉ là món đồ trang trí mà chúng còn có mục đích sử dụng, giúp mang đến trải nghiệm an toàn, tiện nghi.
Ngoài hướng đến sự đơn giản, các đồ nội thất được dùng trong phong cách high tech còn chú trọng yếu tố kỹ thuật hiện đại. Và một điểm rất quan trọng là hiệu ứng ánh sáng rực rỡ đi cùng. Bức tranh không gian sẽ trở nên đa sắc màu hơn với những chiếc đèn nội thất âm tường.
Trung tâm nghệ thuật và văn hóa quốc gia Georges-Pompidou ở Paris (Pháp) là một trong những công trình tiêu biểu cho lối kiến trúc high tech. Trung tâm Georges-Pompidou được được thiết kế bởi 2 kiến trúc sư Richard Rogers và Renzo Piano vào năm 1977.
Bên ngoài trung tâm là thang máy, thang cuốn và ống thông gió, được bao quanh bởi một khung thép rộng lớn. Không gian bên trong hoàn toàn mở.
Tòa nhà Lloyd ở London là tòa nhà lớn thứ hai sau Trung tâm Pompidou do Richard Rogers thiết kế. Đây là một trong những công trình kiến trúc high tech nổi bật những năm 1980.
Tòa nhà được xây dựng với 3 tháp chính và 3 tháp dịch vụ xung quanh không gian hình chữ nhật ở trung tâm. Bạn có thể di chuyển lên các tầng cao hơn bằng thang máy.
Tòa nhà chọc trời HSBC ở Hồng Kông, một trong những trụ sở ngân hàng lớn nhất thế giới cũng là một ví dụ điển hình cho kiến trúc high tech. Tòa nhà được xây dựng năm 1979, do kiến trúc sư nổi tiếng người Anh, Norman Foster, thiết kế.
Một công trình khác tiêu biểu cho kiến trúc high tech là tòa nhà Willis Faber và Dumas ở Ipswich, Anh. Tòa nhà được xây dựng năm 1975, do kiến trúc sư Norman Foster thiết kế.
Willis Faber và Dumas là một khối văn phòng 3 tầng được bao quanh bởi bức tường kính cong. Khu vực nội bộ linh hoạt, được sử dụng như một văn phòng không gian mở. Kiểu thiết kế này nhằm khuyến khích tinh thần gắn kết giữa các nhân viên.
Mong rằng bài viết đã giúp bạn hiểu thêm về những đặc điểm cơ bản của kiến trúc high tech trong thiết kế nội thất. Nếu là một người đam mê công nghệ, đặc biệt thích lối sống tối giản và năng động, bạn có thể cân nhắc đến việc thiết kế không gian sống theo phong cách high tech.